Kỹ Năng và Kỹ Thuật

Image http://www.natureandkind.com

Tìm Nguồn Nước

Image http://adventure.howstuffworks.com/

Thực Phẩm Phơi Khô

Image http://m.aliexpress.com

Thực Phẩm Tồn Trữ

Image http://www.permaculturenews.org

Trồng Trọt

Image http://www.tastyfoodstorage.com

Lò Năng Lượng

Image http://www.eastafrica.ashoka.org

Sep 15, 2015

Cách Làm Trứng Bách Thảo

Trứng Bách Thảo là một món ăn mang đậm nét văn hóa Trung Hoa, được làm từ trứng cút, trứng gà hay trứng vịt được ủ trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi, và trấu.... nhiều tuần lễ, thậm chí ủ liên tục trong nhiều tháng. Tùy vào phương pháp chế biến mà người Trung Hoa có từng loại trứng Bách Nhật Thảo riêng biệt.

Thời gian đầu, người ta làm món trứng Bách Thảo bằng cách ngâm trứng trong hỗn hợp bùn nhão được làm từ đất sét kiềm và nước nhằm duy trì thời gian ủ trứng lâu nhất. Lớp vỏ đất sét cứng bao bọc quanh trứng có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Một kinh nghiệm khác là người ta dùng một hỗn hợp gồm 300gr bột trà xanh + 300gr bột vôi tôi + 900gr bột muối biển + 700gr bột tro gỗ (than gỗ sồi) pha với nước đun sôi tạo thành một dạng bùn nhão, phết lên bề mặt của trứng Bách Thảo. Sau đó lăn trứng qua một lớp mỏng bột vỏ trấu để hỗn hợp bện chặt vào nhau rồi cho trứng vào vại hoặc sọt bằng lụa để bảo quản. Trong khoảng 3 tháng, hỗn hợp bùn nhão sẽ tự động khô lại, lúc này trứng đã có thể dùng được.


Nguyên liệu:

CÁCH 1

- 50 quả trứng vịt
- 5 quả bồ kết già
- 1/2 thìa cà phê diêm sinh
- 1 thìa cà phê đinh hương
- 70g trà mạn
- 300g vỏ trấu (hoặc 1 bó dền gai)
- 60 lá trắc bách diệp
- 4 thìa cà phê phèn chua
- 4 muỗng cà phê quế bột

CÁCH 2:

- Trứng vịt
- 100 g quế chi
- 20 g đinh hương
- 10 g lưu hoàng
- 100 g tro cây rau dền gai
- 100 g lá cây trắc bá diệp
- 3 trái bồ kết
- 200 g tro trấu
- 100 g trà
- 2 lít nước 

Cách làm:

CÁCH 1:
  1. Muốn lựa trứng tươi, tay trái nắm gọn quả trứng chỉ hở phần trên, tay phải hơi cong để chồng trên tay trái rồi soi lên ánh sáng mặt trời hoặc dưới đèn thấy trứng trong đều là được. 
  2. Thả trứng vào nước muối, trứng chìm xuống là trứng tốt (1 lít nước + 50g muối hồ tan) 
  3. Lau trứng cho sạch dết chất dơ bám chung quanh vỏ.
  4. Bồ kết: nướng thành than giã nhỏ như bột. 
  5. Trà mạn: pha với 1 lít nước xôi. Sau 1 giờ, vắt bỏ bã lấy nước. 
  6. Đinh hương: sao vàng tán nhỏ. 
  7. Rau dền gai: phơi khô đốt lên lấy tro, trộn với bột quế + diêm sinh và lá trắc bách diệp giã nhỏ. (có thể thay thế rau dền = trấu). 
  8. Phèn chua, pha với 1 lít nước ngâm hột vịt ba ngày, lòng trắng sẽ trong, lòng đỏ vàng.
  9. Nếu muốn để lâu, trộn những nguyên liệu trên bao ngoài trứng, mỗi quả trứng bọc thêm lá trắc bách diệp, xếp đầu nhọn của trứng xuống dưới, đặt trong hủ đậy nắp thật kín, chôn xuống đất " (khỏang 3 tháng rồi lâu hơn ).
CÁCH 2:
  1. Dùng quế chi, đinh hương, lưu hoàng, tro cây rau dền gai, lá cây trắc bá diệp, bồ kết đem đốt rồi tán thành than.
  2. Tất cả các vị trên phải tán nhuyễn ra rồi trộn chung với tro trấu.
  3. Cho 100 gam trà pha chung với 2 lít nước sôi, bỏ sát lấy nước trà và trộn đều các thứ trên rồi bọc lấy quả trứng.
  4. Sau đó lấy lá trắc bả diệp bọc lược nửa ra ngoài, bọc xong quả nào cho vào chum sành, xong đậy nắp lại cho kín và sau 5 tháng là dùng được.

Sep 14, 2015

Củ Cải Muối Takuan

Takuan được nhiều người yêu thích, nó là một món ăn được bảo quản tốt trong mùa đông tại Nhật Bản. Tại các cửa hàng và nhà hàng ở Nhật thì Takuan được bán trong suốt cả năm. Mặc dù Takuan là không phải là một món ăn hàng đầu, nhưng nó là một món ăn không thể thiếu đối với mỗi người dân Nhật Bản. Takuan không chỉ có mặt trong những bữa cơm gia đình của người dân Nhật Bản mà nó còn là một món ăn trong những nhà hàng tại Nhật.

Mùa tốt nhất để muối củ cải là giữa mùa đông khi đó có nhiều gió. Độ ẩm của củ cải sẽ bốc hơi theo gió. Độ ẩm của củ cải sẽ bốc hơi dần trong khoảng hai tuần.

Màu trắng là màu sắc tự nhiên của củ cải Nhật Bản. Củ cải sẽ chuyển sang màu nâu sẫm khi tếp xúc với gió. Để thay đổi màu nâu thành một màu đẹp mắt hơn thì người ta thường nhuộm củ cải với bột nghệ, như vậy củ cải sẽ trở thành màu vàng.

Nguyên liệu:

- 1 củ cải trắng
- 9 g muối
- 140 g đường
- 48 ml giấm
- Vài giọt màu thực phẩm (hoặc bột nghệ)


Cách làm:   
  1. Củ cải rửa sạch, gọt vỏ rồi bổ làm 2 hoặc 4 theo chiều dọc sau đó cắt lát dày khoảng 0.5cm. 
  2. Trộn đều đường, muối, giấm trong một bát tô. 
  3. Trút hỗn hợp đường - muối vào thố đựng củ cải, để ở nhiệt độ thường khoảng 6-8 tiếng hoặc qua đêm, thỉnh thoảng bạn trộn đều cho củ cải ngấm gia vị.
  4. Vớt củ cải ra, cho vào các lọ khô, sạch.
  5. Phần nước ngâm củ cải còn lại bạn đổ vào nồi đun sôi, trong quá trình đun nếu có bọt bạn hớt sạch bọt để nước được trong, thêm vài giọt màu thực phẩm tùy thích rồi để nguội.
  6. Rót vào lọ đựng củ cải, đậy nắp và cất trong tủ lạnh khoảng 2 tuần là dùng được.
*** Nếu Takuan được đóng gói chân không sẽ giúp bảo quản được rất lâu.

Bạn nào muốn làm củ cải muối theo công thức Hàn Quốc thì xem Video nhé:





Jul 4, 2015

Cách trồng rau ở mọi địa hình


Trong bài này tôi xin giới thiệu một phương pháp trồng rau, củ khá hiệu quả mà bản thân đã thử nghiệm và thấy kết quả khá tốt. Phương pháp này cũng đã có cách đây vài năm, biến thể và kết hơp từ phương pháp thủy canh và canh tác thông thường.

Điểm thuận lợi:
- Có thể trồng rau trong phạm vi hẹp, không có đất trồng.
- Tiết kiệm nước tối đa.
- Có thể trồng ở môi trường nắng hạn khắc nghiệt.
- Dễ hạn chế sâu bệnh.
- Tránh lãng phí phân bón.
- Không tốn công diệt cỏ
- Dễ nhân cây giống.

Điểm bất lợi:
Hơi tốn kém một tí so với canh tác thông thường trên đất liền

Những điều cần thiết cho cây trồng gồm: chất dinh dưỡng (các nguồn phân bón), nước, ánh sáng và độ thoáng khí cho rễ cây.

Vật liệu và cách tạo hệ thống:

Quí vị có thể ứng biến theo lối tương tự tùy theo vật liệu mà bạn dễ tìm mua và rẻ. Ở đây tôi chỉ nêu cách thức mà thôi.


Sở dĩ rổ nhựa lớn này được dùng là để tăng độ thoáng khí cho phần rễ. Bạn có thể dùng một cái gì đó tương tự miễn sao nó đừng bị mục theo thời gian vì bị ngấm nước nhé và phần đáy không thấm nước bởi vì tuy nước sẽ được hút từ dưới lên nhưng phần đáy sẽ phải hứng chịu ẩm ướt nhiều nhất. Kế đến, để có thể chứa đất trồng trọt thì bạn có thể lót bất cứ thứ gì chung quanh miễn sao nó vẫn thông khí vào bên trong nhé. Ở đây tôi dùng một lớp lưới có lỗ nhỏ, tuy nhiên lần sau tôi sẽ dùng rơm hay sơ dừa sẽ tốt hơn vì nó vừa rẻ vừa là thứ có thể phân hủy thành phân bón cho cây. Nếu những lỗ xung quanh nhỏ đến mức đất không lọt ra bên ngoài thì bạn không cần che chắn gì nữa

Kế đến bạn hãy khoét lột cái lỗ ở đáy rổ lớn sao cho có thể nhét một rỗ nhỏ ( mình dùng loại rổ nhỏ có kích thước 3 inches) ở đáy nhé nhưng lỗ khoét này phải nhỏ hơn miệng của rổ nhỏ (trong trường hợp nay thì mình dùng lưỡi khoan 2-7/8 inches) để rồi bạn có thể đặt rổ nhỏ theo như hình bên dưới mà cái rổ nhỏ không thể rớt ra cho dù bạn có lấy tay nhấn xuống. Trong hình, cái rỗ nhỏ ở đáy có màu đen có tên gọi tiếng anh là "potting net cup" mà người ta thường dùng trong phương pháp thủy canh hay còn gọi là phương pháp hydroponic. Lưu ý nếu bạn dùng khoang có kích thước lớn để khoang trên vật liệu dẽo như nhựa thì cần phải cho lưỡi khoang quay ngược chiều so với khi bạn khoang thông thường nhé và đừng dùng lực ấn mũi khoang vì nó có thể gây thương tích cho bạn, hãy thật cẩn thận!



Bạn cũng đừng lo lắng tìm mua cái cái rổ nhỏ ấy nếu không thể mua được. Thay vào đó bạn có thể dùng một cái ly nhựa rồi khoang lỗ xung quanh.

Giờ thì bạn hãy nhìn kỹ vào hình bên dưới nhé

Cái ống nhựa màu trắng là nơi chứa nước phân phối cho các rổ cây trồng. Tôi đã dùng loại ống có kích thước 4 inches xấp xỉ khoảng 102 mm và dùng cưa máy để cắt những lỗ hình trái xoan (oval). Để cắt hình cắt lỗ hình trái xoan trên ống nhựa này thì mình cắt một hình tròn đường kính 2-7/8 inches trên một miếng bìa cứng như đã khoan ở đáy của rổ nhựa lớn, sau đó úp miếng bìa này trên ống nhựa và dùng bút lông vẽ theo cạnh của miếng bìa. Bạn phải chắc chắn tâm của những lỗ cắt này phải nằm trên cùng một đường thẳng được kẻ từ đỉnh đầu nọ đến đỉnh đầu kia của ống nhựa. Làm như vậy thì khi hoàn tất bạn mới có được mực nước trong ống cao như nhau khi đã cân bằng ống. Bạn có thể dùng chiếc khoan mà lúc nãy bạn dùng để khoét lỗ ở đáy của rổ lớn, tuy cách này nhanh hơn nhưng lỗ khoét sẽ không kín bằng cách khoét lỗ bằng cưa. Nếu bạn tìm được lọ nhựa nhỏ có miệng và đáy hình vuông để thay cho cái rổ nhỏ thì việc khoét lỗ sẽ dễ hơn nhiều phải không. Nói chung là tùy cơ ứng biến nhé.

Bạn có thấy cái lỗ khoét hình chữ nhật trên ống nhựa trắng ngay bên dưới cái thùng màu xanh không? ngay tại đó bạn thấy cái vật màu trắng, bên dưới thùng xanh, đó là phao nổi, còn gọi là Floating valve, có hình dáng như sau:
Mình dùng loại có cần phao linh hoạt (adjustable arm) này để có thể điều chỉnh mực nước một cách dễ dàng. Phao này được lắp vào 1 trong 2 nắp ở đầu của ống nhựa. Sau đó bạn hãy dùng ống nhựa chuyền nước nối từ phao với cái thùng chứa nước dự trữ (thùng màu xanh). Cứ khi nào nước trong lòng ống nhựa xút giảm thì nước từ thùng chứa sẽ chảy vào cho đến khi đầy trở lại, hoặc đến khi nước trong thùng không còn nữa. Bạn có thể dùng thùng chứa có khích thước lớn để có thể chứa đủ nước cho cả tháng cũng được. Ở đây vì sự hạn hẹp về phạm vi nên mình dùng thùng chứa nhỏ, tuy nhiên nó được làm đầy nước một cách tự động bằng cách nối nó với hệ thống tưới nước tự động. Để tránh lãng phí nước thì mình dùng thêm một phao nước trung gian mà chúng ta thường dùng trong bể chứa nước của bồn cầu hoặc bất cứ loại nào khác mà bạn có thể mua được. Hình dáng nó như sau:

Đây là phao được lắp bên trong thùng chứa nước. Cứ hễ nước đầy tới mức ấn định thì nước ngưng chảy vào thùng. Phao này được nối vào một trong những đường ống của hệ thống tưới cỏ tự động, sprinkler. Như vậy đến đây công việc chuẩn bị đã sắp hoàn tất. Một hệ thống hoàn tất sẽ có hình dạng sau đây:

Bây giờ là lúc cần cẩn thận và tỉ mỉ hơn một chút. Hai thanh gỗ dài kẹp hai bên ống nhựa mà mình dùng có kích thước 2x6 inches và chiều dài tùy ý, tuy nhiên bạn có thể đào một cái rãnh dài và chôn cái ống máng xuống sao cho độ cao của nước trong lòng ống ở 2 đầu ống phải bằng nhau và phần mặt ống phải cao ngang mặt đất. Mình không theo cách này vì rổ cây trồng sẽ tiếp xúc với mặt đất vì thế cỏ dại hay sâu đất có thể dễ dàng xâm nhập, mặt khác việc đào rãnh không dễ dàng thay đổi để đạt được sự cân bằng. Bạn thấy đó, một hệ ống dài của mình gồm 2 ống nhựa nối với nhau, mỗi ống dài 10ft, xấp xỉ 3m vậy mà mình chỉ dùng 3 cục gạch chêm bên dưới mỗi đoạn 3m đó. Để mặt ống máng có độ cao vừa bằng độ cao của thanh gỗ thì bạn cắt một đoạn ngắn thanh gỗ đó và kên ngay bên dưới ống máng nghĩa là đoạn chêm này và 2 thanh gỗ dài kia đều nằm trên cục gạch. Dùng thước cân chỉnh thăng bằng mà người thợ xây thường dùng để biết mức thăng bằng của ống, hoặc bạn có thể đổ nước vào lòng ống để biết mình nên hạ thấp hay nâng cao những cục gạch chêm ấy miễn sao mực nước ở hai đầu ống bằng nhau.

Cuối cùng là thành phần đất và vật liệu mà bạn phải bỏ vào rổ cây trồng. Trước tiên bạn phải dùng mạt cưa mà ở Mỹ người ta hay gọi là peat moss (có thể mua ở lowe's hay home depot) hoặc sơ dừa nhuyễn để làm vật liệu hút nước từ lòng ống máng lên từng rổ cây trồng. Mình dùng mạt cưa chứ chưa dùng qua sơ dừa nên không biết sơ dừa sẽ hút nước mạnh ra sao. Vật liệu này được nén cho đầy cái rổ nhỏ và được trãi một lớp có độ dày khoảng một lóng tay ở đáy của rổ lớn. Khuynh hướng rễ cây sẽ phát triển xuyên qua những kẽ hở của cái rổ nhỏ để phát triển mạnh mẽ ngay trong lòng ống máng. Kế đến là pha trộn đất để trồng cây. Thành phần gồm có 3 loại:

- Mạt cưa (peat moss)
- Phân xanh (do lá, thân cây, rau thải...đã được ủ hoai ra thành đất mùn), hay còn gọi là compost. Loại này cũng khiến đất thêm tơi xốp.
- Phân chuồng đã qua ủ để thành đất phân

Để đơn giản mình sẽ trộn theo tỷ lệ 1:1:1 về kích thước. Bạn cũng có thể thêm một ít khoáng chất (như vermiculite chẳng hạn), phân bón vô cơ NPK và magnesium sulfate (tên gọi thông thường là Epsom salt, muối sun- phat ma-giê ngậm nước); cũng nên thêm chút chất canxi ( calcium) như ở Việt Nam thường dùng vôi để khử độ chua của đất bởi chất này khá cần thiết cho một số cây trồng để tránh một số bệnh mà cây thường gặp. Nói chung là chúng ta cứ thoải mái bỏ vào những dưỡng chất cần thiết cho cây. Mình rất thích bắt thêm vài con giun đất bỏ vào rổ cây trồng để nó làm tơi xốp đất. Trộn đều hỗn hợp này và đổ tiếp vào rổ cây trồng. Vậy là bạn đã hoàn tất phần chính của hệ thống rồi đó.

Nếu muốn thì bạn có thể lắp thêm phần khung nhựa làm bằng ống nước PVC để khi cần thì có thể phủ tấm lưới để hạn chế sâu bọ hoặc để hạn chế bớt nắng nóng trong mùa nắng gắt, hoặc phủ tấm ny-lon (plastic) trong những lúc trời rét đậm.


Thông thường mình nghĩ cây trồng sẽ tự nhiên hút nước nhiều hay ít để quang hợp hoặc giải nhiệt. Nếu bạn thấy cây có dấu hiệu khô héo thì hãy xem lại nước trong ống máng có đầy đủ không nhé để biết cái phao có hoạt động tốt hay không. Thêm một chi tiết nhỏ nữa là bạn nên dùng một mãnh lưới lỗ nhỏ che lên những phần lỗ khoét trên ống máng để muỗi không thể đẻ trứng trong lòng ống máng. Như thế bạn đã có một hệ thống khá an toàn để trồng trọt trong mọi thời tiết. Chúc mọi người thành công.







Dec 15, 2014

Sinh tồn nơi đầm lầy

Dấu hiệu để báo cho các bạn biết vùng lầy lún hoặc cát lún là sự hiện diện của những mạch nước trào từ từ ở dưới đất lên. Những mạch nước nầy giữ cát, bùn và các tạp chất lơ lửng một lớp (có khi) rất mỏng. Chúng ta thường gặp những nơi như thế nầy ở vùng đầm lầy nhiệt đới (có khi rộng hàng ngàn hecta). Đất ở đầm lầy xốp, mềm, đi đứng khó khăn, ở đó còn có những chỗ có sức lún khủng khiếp, nếu người hay động vật lọt vào mà không biết cách tự cứu, có thể bịt dìm chết. Ngoài ra, sự nguy hiểm còn do khí hậu ở đầm lầy rất ẩm ướt, lạnh giá, đủ sức làm cho người ta chết cóng. Đây là một khu vực rất tồi tệ, nếu chúng ta bị lạc vào một vùng như thế nầy thì thật là tai hoạ. 


Trường hợp các bạn buộc phải di chuyển băng qua đầm lầy, thì xin các bạn lưu ý những điểm sau: 

- Cầm theo gậy nhẹ, dài, vừa dò đường vừa làm vật cản để bám víu khi bị sa lầy. 

- Đi men theo vùng đất có cây cối, đặt chân lên những bụi cỏ, nếu dẫm mạnh mà thấy mặt đất rung rinh thì đừng bước tới mà đi vòng để tránh. 

- Những nơi có mặt đất bằng phẳng, không cây cỏ, có màu xanh đen hay đóng rêu thì thường là vũng lầy. Hãy cẩn thận. 

- Tuyệt đối không di chuyển trong đầm lầy vào ban đêm, hay khi mưa gió, sương mù, tuyết đổ… Những lúc nầy nên tìm chỗ trú ẩn khô ráo, kín gió, chờ cho đến lúc thuận tiện. 

- Không nên cởi ba lô, áo mưa…. Khi di chuyển trong đầm lầy. Nếu bị lún, những vật nầy sẽ tăng thêm lực cản như những cái phao. 

- Nếu có bạn đồng hành, tốt nhất nên dùng dây cột lại với nhau để có thể cứu viện cho nhau. 

- Vì phải tránh những vũng lầy và chướng ngại, cho nên các bạn rất dễ bị mất phương hướng. Phải kiểm tra bằng địa bàn thường xuyên. Nếu không có địa bàn, phải chọn một điểm chuẩn dễ trông thấy để làm đích mà đi tới. 

- Nước đầm lầy tuy nhiều, nhưng phần lớn là không uống được. Chúng ta nên thu thập nước mưa hay nước ở các dòng chảy mạnh. 

- Cố gắng giữ quần áo khô ráo, vì ban đêm ở vùng đầm lầy thường rất lạnh, dễ bị thương tổn do rét cóng. 

- Nếu phải trụ lại ở vùng đầm lầy, các bạn nên tạo những con đường đi lại bằng cách lót ván, thân cây, cành cây, cỏ khô… hoặc đánh dấu những nơi có thể đi lại được. 

Nói chung, đầm lầy là một nơi tồi tệ khi các bạn cần di chuyển hay sinh sống. Nếu có thể được, các bạn nên đi vòng để tránh.

SA LẦY

Nếu phát hiện hai chân các bạn đang bị lún dần thì không được vội vàng rút chân hoặc vùng vẫy, vì càng vùng vẫy thì càng bị lún nhanh hơn và cũng mau chóng tiêu hao sức lực hơn. Các bạn hãy bình tĩnh sử dụng một trong hai phương pháp sau:

Phương pháp 1

Nhanh chóng và nhẹ nhàng ngã người ra phía sau, nằm ngửa mặt hướng lên trên. Đồng thời giang rộng hai tay để tăng diện tích tiếp xúc với mặt lầy. Nếu có gậy dò đường thì lót nằm ngang ở dưới cơ thể.

Sau khi đã nằm xuống thì nhẹ nhàng rút chân lên, dùng tư thế như bơi ngửa chậm rãi di chuyển về phía đất cứng vừa mới đi qua. Vói tay lên đầu, nếu có gốc cây, gốc cỏ… thì nắm lấy để mượn lực mà kéo người tới. 

Cẩn thận từng động tác một, chầm chậm để cho bùn và cát có đủ thời gian lấp đầy những chỗ trống do tứ chi hay cơ thể rút đi.

Phương pháp 2

Dang tay ra, nằm sấp xuống, bụng và ngực ép sát trên bùn, lót gậy dò đường xuống dưới ngực. Tìm cách rút một chân lên, co lại, dùng toàn bộ cẳng chân đó tì lên mặt lầy rồi từ từ rút chân kia lên. Khi đã rút được hai chân lên rồi, thì từ từ trườn tới như rắn hay như tư thế bơi sấp. Phân bố trọng lượng cơ thể cho đều. 

Nếu có người đồng hành bị sa lầy, thì không nên vội vàng liều lĩnh lao tới cứu, mà bảo người đó nằm ngửa, bất động. Sau đó, cẩn thận thăm dò từng bước chân. Chỉ khi nào biết chắc là đất dưới chân mình có thể chịu đựng được thì mới tiến tới gần nạn nhân, ném dây hay đưa gậy cho họ nắm lấy, rồi cùng với sự hỗ trợ của chúng ta, đưa nạn nhân đến chỗ an toàn.
Nếu chân dưới đất của các bạn không được rắn chắc, thì các bạn cần nằm sát xuống để tăng diện tích tiếp xúc trước khi ném dây hay đưa gậy cho họ.
Nếu gần đó có cây cối thì dùng một đầu dây cột vào gốc cây, đầu dây kia ném cho nạn nhân hay cột vào người của chúng ta trước khi đi cứu nạn nhân.

 
 

Nov 5, 2014

Bảo vệ sức khoẻ nơi hoang dã

Như đã trình bày ở những phần trước, trong vùng hoang vu vắng vẻ, nhất là khi chỉ có một mình, nếu bị thương tích hay bệnh hoạn, thì tình cảnh của các bạn thật là thê thảm. Nó sẽ lấy đi của các bạn niềm tin và nghị lực, các bạn sẽ cảm thấy cô đơn, nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la, hung hiểm,… Và khi các bạn không còn nghị lực phấn đấu để sinh tồn thì thiên nhiên hoang dã sẽ nuốt chửng bạn. Cho nên các bạn phải làm sao cố gắng hết sức để gìn giữ và bảo vệ sức khỏe. 

Các bạn cũng cần phải có một số kiến thức nhất định về một số cây cỏ, động vật, côn trùng dùng để đề phòng và chữa bệnh. Biết giữ gìn vệ sinh cơ thể cũng như vệ sinh khu vực trú ẩn. Biết đề phòng cũng như chữa trị một số bệnh thông thường, nhất là những căn bệnh thường gặp ở những nơi núi rừng hoang vu như: sốt rét, tả, lỵ,… Biết sơ cứu một số trường hợp khẩn cấp.

ĐỀ PHÒNG

GIỮ GÌN VỆ SINH

Thân thể:
  • Tắm rửa hàng ngày nếu có thể được.
  • Vệ sinh răng miệng. (nếu không có bàn chải đánh răng thì dùng vỏ cau khô hay một cành cây dẻo cắn nát một đầu)
  • Giặt giũ áo quần, phơi dưới nắng.
  • Không để cho côn trùng, ruồi, muỗi,… chích đốt
Nơi trú ẩn:
  • Quét dọn trong ngoài sạch sẽ.
  • Ánh sáng và thông thoáng.
  • Đốt bỏ hay chôn rác rến và chất thải.

ĐỀ PHÒNG CÁC BỆNH ĐƯỜNG RUỘT
  • Rửa tay trước khi ăn, đừng bốc thức ăn bằng tay bẩn.
  • Ăn thức ăn đã được nấu nướng cẩn thận.
  • Uống nước đã được đun sôi hoặc khử trùng.
  • Đừng ăn củ hay trái còn xanh, sống.
  • Đừng ăn thức ăn ôi thiu, để lâu.
  • Không để ruồi nhặng, côn trùng đậu vào thức ăn.

PHÒNG NHIỆT
  • Đừng làm việc quá sức dưới trời nắng.
  • Đừng ở lâu dưới trời nắng.
  • Uống nước sôi để nguội có pha muối (1/2 muỗng cà-phê cho một lít nước) khi ra nhiều mồ hôi.

PHÒNG LẠNH
  • Sưởi ấm cơ thể mình bằng mọi cách.
  • Giữ cho quần áo được khô ráo, nhất là quần áo lót, vớ,… nếu bị ướt, phải hong khô ngay. Không được mặc đồ ướt.
  • Mặc nhiều quần áo để giữ ấm (có thể dùng cỏ khô, rêu, da thú, vỏ cây,… đệm giữa các lớp áo quần để chống lạnh).
  • Giữ cho tay chân không bị tê cóng.
  • Không dầm mưa hoặc tắm nước lạnh quá lâu. 

CHỮA BỆNH KHÔNG CẦN THUỐC

Ở đây chúng tôi sẽ không hướng dẫn cho các bạn cách điều trị bằng thuốc Tây (điều này các bạn hãy tự nghiên cứu, vì cho dù nếu muốn, thì nơi hoang dã cũng khó mà tìm ra), mà chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách tự chữa cho mình bằng tất cả những gì bạn có hay có thể tìm kiếm được ở nơi hoang dã. 

Người ta có thể tự khỏi được phần lớn bệnh tật, kể cả cúm và cảm lạnh thông thường mà không cần đến thuốc men. Cơ thể chúng ta có khả năng bảo vệ riêng của nó để chiến đấu chống lại bệnh tật. Nhiều khi khả năng bảo vệ tự nhiên này lại quan trọng hơn thuốc. Ngay cả trong trường hợp bệnh nặng, cần có thuốc, thì cũng là cơ thể phải chiến thắng bệnh, thuốc chỉ có vai trò giúp đỡ mà thôi. Sạch sẽ, nghỉ ngơi, thức ăn bổ dưỡng là những điều quan trọng và cần thiết để chiến thắng bệnh tật. 

Nếu các bạn đang ở một nơi hoang dã, thiếu thốn thuốc men, cũng vẫn còn nhiều điều các bạn có thể làm để phòng và chữa phần lớn các bệnh thông thường nếu các bạn chịu khó học cách làm. 

Để chiến thắng bệnh tật, trước tiên, các bạn cần có một tinh thần kiên định và một nghị lực vững vàng. Ngoài những yếu tố sạch sẽ, nghỉ ngơi, ăn uống, các bạn cần phải biết cách sử dụng nước cũng như am hiểu một số dược thảo cơ bản. 

Nếu các bạn chỉ tìm hiểu cách sử dụng nước cho đúng đắn thôi, thì riêng điều đó cũng có nhiều tác dụng để phòng và chữa các bệnh hơn là tất cả các thứ thuốc mà người ta dùng (không đúng cách) ngày nay.

CHỮA BỆNH BẰNG NƯỚC 

Ai trong chúng ta cũng có thể sống mà không có thuốc, nhưng không ai có thể sống mà không có nước. Thật vậy, vì hơn phân nửa (57%) cơ thể của chúng ta là nước. Nếu tất cả mọi người đang sống trong các trang trại, làng quê hay những vùng hoang dã, biết sử dụng nước một cách tốt nhất, thì số bệnh tật và tử vong, rất có nhiều khả năng giảm đi một nửa. 

Nhiều trường hợp sử dụng nước đúng cách, có thể có tác dụng hơn là thuốc men
Chẳng hạn, việc sử dụng nước đúng cách, là cơ sở trong cả phòng bệnh lẫn chữa bệnh tiêu chảy. Ở nhiều địa phương cũng như nơi nông thôn hoang dã, tiêu chảy là nguyên nhân thông thường nhất về bệnh tật và tử vong (nhất là trẻ em). Bệnh nhân chết là do cơ thể mất nước trầm trọng. Bị tiêu chảy là do sử dụng nước ô nhiễm. Dụng cụ ăn uống và tay chân không được rửa sạch.

Để điều trị tiêu chảy, cần cho bệnh nhân uống nhiều nước (tốt nhất là uống với đường, mật ong hay muối), nó còn quan trọng hơn bất cứ một thứ thuốc nào.

Sau đây chúng tôi nêu ra một số các trường hợp khác, mà việc sử dụng nước đúng đắn còn quan trọng hơn việc dùng các loại thuốc.

ĐỂ PHÒNG BỆNH 
  • Tiêu chảy, giun, nhiễm trùng đường ruột -- uống nước đã nấu chín, rửa tay sạch sẽ.
  • Nhiễm trùng da -- tắm rửa thường xuyên.
  • Vết thương bị nhiễm trùng -- rửa kỹ vết thương với nước và xà-phòng.

ĐỂ CHỮA BỆNH

Tiêu chảy, kiệt nước:

- Uống nhiều chất lỏng.

Các bệnh có sốt:

- Uống nhiều chất lỏng.

Sốt cao

- Chườm mát cơ thể.

Nhiễm trùng nhẹ đường tiểu

- Uống nhiều nước.Ho, hen phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà: uống nhiều nước và xông bằng hơi nước nóng.

Lở, chốc, nấm da, nấm da đầu

- Tắm với nước xà-phòng.

Vết thương nhiễm trùng, áp-xe, nhọt, đầu đinh

- Đắp nước nóng hoặc chườm nóng.

Cứng cơ, đau cơ và khớp

- Chườm nóng.


Phỏng nhẹ:
 
- Ngâm vào nước lạnh

Viêm họng hoặc viêm Amidan:
 
- Súc họng băng nước muối nóng.

Ngạt mũi: 

 - Hít nước muối vào mũi.
Nguồn: http://ducavn.nl 

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...